SỐNG “TỐT ĐỜI ĐẸP ĐẠO” THEO GƯƠNG BÁC
18/05/2020 15:04
A+|
A-|
In bài viết
Là người con của phật, Thầy Thích Thông Hạnh đã hình thành tư tưởng nhân đạo từ rất sớm. Gắn với những điều phật dạy, tiếp cận tư tưởng nhân đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh, Thầy Thích Thông Hạnh đã vận dụng sáng tạo vào các hoạt động từ thiện của địa phương, cùng chính quyền chăm lo đời sống cho bà con nghèo và chung tay xây dựng nông thôn giàu đẹp
Tư tưởng truyền bá nhân đạo
Thầy Thích Thông Hạnh tên thật là Nguyễn Văn Sơn, quê quán tại xã Đông Thạnh, Châu Thành, Hậu Giang. Gia đình ông lập chùa Phật Ngọc Thiên tại Cái Chanh (thị trấn Ngã Sáu) để con cháu tu hành. Từ thuở nhỏ, ngoài giờ học thầy còn tham gia các hoạt động tại chùa. Thầy sớm tiếp thu những giáo lý nhà phật, có tư tưởng nhân đạo hết lòng phục vụ nhân dân . Năm 1999, thầy tham gia học cao đẳng Phật giáo tại TP. Cần Thơ, được đào tạo chuyên sâu từ sơ cấp cho đến các lớp cao cấp. Đến năm 2000, thầy chính thức giữ chức trụ trì chùa Long An, một ngôi chùa có bề dày lịch sử hơn trăm năm. Năm 2016, thầy được mời tham gia Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hậu Giang, từ đó, ngày càng có nhiều đóng góp cho phong trào nhân đạo tỉnh nhà |
Chùa Long An tọa lạc tại khu vực Bình Thạnh C, Phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ, Hậu Giang. Chùa nằm tận trong vùng quê hẻo lánh nhưng nơi đây luôn hội tụ ngày càng đông phật tử, bà con trong những ngày lễ lớn của phật giáo. Sau khi tiếp nhận chùa, Thầy Thông Hạnh bắt tay vào việc củng cố lại chùa, kết nối nhiều mạnh thường quân thực hiện nhiều chương trình, hoạt động nhân đạo trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Với nhân dân, chùa là nơi để bà con nương tựa về mặt tinh thần. Họ đến đây chỉ mong muốn được trãi lòng cùng phật pháp, thõa mãn nhu cầu tính ngưỡng, tiếp thu những giáo lý về lòng nhân ái, sẻ chia trong cuộc sống. Hiểu được đạo lý đó, trụ trì chùa Long An- Thầy Thích Thông Hạnh đã tạo cho ngôi chùa một không gian yên ả, thanh tịnh bằng thiết kế giản dị, đơn sơ nhưng không thiếu sự tôn nghiêm của nhà phật. Từ đó, Chùa Long An trở thành nơi tụ hợp, thõa mãn nhu cầu tính ngưỡng của bà con địa phương.
Theo quan điểm của Thầy Thích Thông Hạnh: “Đời sống bà con còn khó khăn, việc đầu tư xây dựng các công trình phục vụ cho lợi ích riêng của chùa mà nhân dân đói khổ thì chưa cần thiết. Chùa là điểm tựa, là mái nhà chung để che chở cho nhân dân lúc khó khăn, nên điều quan trọng nhất là làm những gì để chùa trở thành nơi nương tựa vững chắc về vật chất tinh thần, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, có vậy dân mới tin và làm theo mình, theo những điều phật dạy”.
Ngoài chánh điện là nơi rộng rãi nhất để bà con đến lễ phật, chùa còn có một thư viện nhỏ riêng biệt , trưng bày hàng trăm quyển sách về tôn giáo, phật giáo, tư tưởng Hồ Chí Minh về phật giáo, về nhân đạo. Thầy cho rằng đây sẽ là nơi tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, góc thư giản cho bà con khi đến lễ phật.
Với thầy Thích Thông Hạnh, việc hình thành tư tưởng trong mỗi con người là việc làm quan trọng nhất. Bởi từ tư tưởng sẽ đi đến hành động, có tư tưởng tốt sẽ có hành động tốt. Thầy mong muốn xây dựng một hội trường để làm nơi tổ chức các buổi trò chuyện, trao đổi về phật pháp nhằm định hướng tư tưởng nhân đạo, tình nguyện cho nhân dân, cùng nhà chùa phát triển nguồn lực phục vụ chúng sanh.
Noi gương Bác làm từ thiện
Như một thông lệ hàng năm, vào dịp tết nguyên đán, tết trung thu, năm học mới, ngày rằm…, thầy vận động quà tặng bà con vui xuân đón tết, trao hàng chục ngàn quyển tập cho các bạn học sinh nghèo vượt khó, vui trung thu cùng các cháu thiếu nhi, tặng quà cho những người yếu thế…. Biết bà con còn khó khăn về nhà ở, thầy vận động cho nhà, địa phương có người không đủ ăn đủ mặc thì thầy giúp đỡ gạo, học sinh nghèo hiếu học được thầy tặng học bổng… Tất cả hoạt động trên được thầy Thông Hạnh duy trì hơn 10 năm nay.
Mỗi phần quà thầy mang đến có giá trị to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần. Để bảo vệ lợi ích chính đáng cho bà con, thầy đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi phù hợp với giá trị của những phần quà để tránh gây phiền hà cho những người ở nơi xa đến. Thấu hiểu những khó khăn, mặc cảm của những người yếu thế, thầy Thông Hạnh luôn chú trọng đến “cách cho và của đem cho”. Như chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Người hội viên hội chữ thập đỏ phải thật sự vì lợi ích của nhân dân mà phục vụ, không nên thiên về hình thức, tránh thái độ ban ơn”, lời dạy đó đã thấm nhuần tư tưởng nhân đạo và thể hiện bằng thái độ tôn trọng nhân dân, đặc biệt là những người yếu thế.
Khi đến dự buổi trao quà cho bà con nghèo tại chùa Long An vào ngày rằm tháng 7 vừa qua, vì trễ thời gian và tránh để bà con đến nhận quà phải đợi lâu, thầy Thông Hạnh đã mạnh dạn đề xuất với nhà tài trợ bỏ qua các thủ tục nghi lễ, tiến hành trao quà cho bà con theo thứ tự ưu tiên từ người khuyết tật, người mù đến già yếu và trẻ em. Hành động nhỏ đó đã tạo được niềm tin của nhà tài trợ và sự hài lòng của những người nhận quà. Song, tránh để học sinh mang suy nghĩ mặc cảm vì hoàn cảnh khó khăn, thầy đề nghị khi trao học bổng cho học sinh, không ghi “học sinh nghèo” mà thay bằng “học sinh vượt khó” hay “ học sinh hiếu học”…. Và rất nhiều việc làm tuy rất nhỏ nhưng thể hiện tư tưởng trọng dân, đặt lợi ích nhân dân lên trên hết của thầy Thích Thông Hạnh.
Bởi tư tưởng và việc làm của thầy luôn hướng về mục đích phục vụ nhân dân nên được chính quyền địa phương đánh giá cao qua các hoạt động an sinh xã hội.
Các hoạt động của nhà chùa mang tính nhân đạo, gắn liền với các phong trào do Hội Chữ thập đỏ phát động. Như, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, thầy vận động hỗ trợ thường xuyên, liên tục và bền vững theo “Địa chỉ nhân đạo” cho bà con nghèo, học sinh vượt khó. Hiện tại, thầy nhận trợ giúp 10kg gạo hàng tháng cho mỗi đối tượng có hoàn cảnh khó khăn và có 50 người hưởng lợi từ hoạt động nhân đạo này.
Phát huy vai trò cầu nối của nhà chùa, thầy vận động trợ giúp và trao học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em có điều kiện tiếp sức đến trường. Hai chương trình học bổng do thầy Thích Thông Hạnh vận động đã đồng hành với các em học sinh tại huyện Châu Thành, TX. Long Mỹ, huyện Long Mỹ trong nhiều năm qua. “Học bổng Mũ Né” hỗ trợ 09 em học sinh với số tiền 1 triệu đồng/suất. “Học bổng Minh Thuận” đã giúp đỡ 60 em học sinh với số tiền 3 triệu đồng/suất. Tổng kinh phí hỗ trợ học bổng hàng năm gần 200 triệu đồng. Học bổng trên được cấp vào đầu mỗi năm học và cam kết trao cho các em từ lúc bắt đầu đến khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học…
Bên cạnh đó, thầy còn vận động mạnh thường quân làm cầu, xây dựng nhà tình thương, góp phần cùng địa phương thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Với những việc làm thiết thực mang lại lợi ích chính đáng cho xã hội, năm 2017, thầy là một trong 08 tấm gương đại diện cho cả nước tham dự hội nghị điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2017. Thầy Thích Thông Hạnh vinh dự đón nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ vì có nhiều đóng góp cho công tác nhân đạo từ thiện của tỉnh nhà.
Thu Ba